Tìm hiểu về hãng hàng không Bamboo Airways
Bamboo Airways là hãng hàng không thuộc tập đoàn FLC - Một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đầu tư tài chính, khai khoáng, bất động sản…Vốn điều lệ ban đầu của Bamboo Airways là 700 tỷ đồng (sau tăng lên 1300 tỷ).
Năm 2018, hãng hàng không Bamboo Airways được Chính phủ cho phép thành lập. Trụ sở chính của hãng đặt tại sân bay Phù Cát, Bình Định.
Vào ngày 16/01/2019, chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh thông qua chứng chỉ nhà khai thác tàu bay AOC (Aircraft Operator Certificate) và trở thành cột mốc quan trọng trong suốt 4 năm chuẩn bị của hãng.
Đối thủ cạnh tranh của Bamboo Airways
Bamboo Airways tại thị trường nội địa có không ít đối thủ, điển hình có thể kể đến như: Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Jetstar, Vietjet Air,... Theo số liệu của nửa đầu năm 2022, tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines và Jetstar chiếm 38%, trong khi Vietjet chiếm 36% thị phần. Bamboo Airways chiếm 17%, Pacific Airlines chiếm 5%, Vasco chiếm 3% và Vietravel Airlines là 1%.
Có thể thấy, Bamboo Airways có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, nhiều hãng hàng không khác còn có tuổi đời lâu năm như Vietnam Airlines thành lập từ 1956, trong khi đó Bamboo Airways chỉ vừa ra đời vào năm 2017. Tuy nhiên, mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hãng đã và đang có những chính sách marketing hợp lý, mang đậm dấu ấn trong lòng khách hàng.
Ma trận SWOT của Bamboo Airways
Dưới đây là phân tích ma trận SWOT của Bamboo Airways:
Điểm mạnh
Điểm mạnh lớn nhất của Bamboo Airways là nhận thức của hãng luôn hướng về việc đi lại của người dân với mong muốn sự thuận lợi nhất có thể. Chính vì thế, đội ngũ nhân viên đều được đào tạo nghiêm ngặt để mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất. Bên cạnh đó, Bamboo Airways còn có những điểm hấp dẫn khác mà không phải hãng hàng không nào khác cũng có được:
-
Đội ngũ nhân lực đều được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế bằng sự hợp tác đào tạo dài hạn. Học viên đào tạo tại hàng không New Zealand với những chỉ tiêu nghiêm ngặt.
-
Cơ sở vật chất cực kỳ hiện đại, theo tiêu chuẩn 5 sao nhằm tăng trải nghiệm tận hưởng cho khách hàng xuyên suốt chuyến đi.
-
Triển khai các tuyến bay thẳng đưa du khách quốc tế đến tận nơi các điểm du lịch tại Việt Nam. Ví dụ như năm 2021, Bamboo Airways đã công bố đường bay thẳng Việt - Úc, hỗ trợ với các sân bay Melbourne và bang Victoria nhằm xúc tiến các đường bay để kết nối hai nước.
-
Bamboo Airways còn liên kết và mở rộng thêm nhiều đường bay mới liên tục. Hãng cũng là đơn vị tiên phong hoạt động dựa vào mô hình hybrid khi dịch vụ có chất lượng cao nhưng giá cả lại hợp lý. Đến hiện tại, Bamboo Airways đã khai thác khoảng 30 đường bay nội địa lẫn quốc tế.
-
Luôn thực hiện các chuyến bay đúng giờ tại Việt Nam. Dựa vào số liệu thống kê vào đầu năm 2022, Bamboo Airways được Cục hàng không Việt Nam đánh giá là hãng bay đúng giờ nhất toàn ngành với 96,3% chuyến bay đúng giờ.
-
Hoạt động marketing của Bamboo Airways luôn luôn diễn ra mạnh mẽ với các chiến lược khác nhau nhằm thu hút sự chú ý từ khách hàng.
Điểm yếu
Bamboo Airways chỉ vừa mới thành lập trong những năm gần đây, vì vậy mà đơn vị có không ít yếu điểm trong suốt quá trình hoạt động, chẳng hạn như:
-
Bị ảnh hưởng nặng nề từ bê bối thao túng chứng khoán từ tập đoàn mẹ FLC: ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, dẫn đến việc ông bị khởi tố và bắt giam kèm cáo buộc che giấu thông tin chứng khoán. Nhiều lệnh tạm giam và điều tra về FLC được thực hiện. Trước các vấn đề đó, Bamboo Airways chịu không ít ảnh hưởng.
-
Số chặng bay còn hạn chế và không có nhiều lựa chọn giờ hay ngày bay: Bamboo Airways thực hiện hơn 33 nghìn chuyến bay, trong đó khoảng 31 nghìn chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ 95,2% (giảm 1,7 điểm so với thời điểm cùng kỳ).
Cơ hội
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng hàng không, trong đó có Bamboo Airways, tuy nhiên từ sau đại dịch, nhu cầu đi lại của người dân trở về như trước. Cơ hội phát triển của Bamboo Airways rộng mở không kém:
-
Tăng trưởng của ngành du lịch nội địa, nhất là các thời điểm du lịch như dịp lễ Tết, mùa hè…Nhu cầu du lịch, di chuyển, lưu trú tăng. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, thời gian cho chuyến đi bình quân trên một khách nội địa là 3,7 ngày. Chi tiêu của khách nội địa sẽ khoảng 1 - 1,6 triệu đồng/ ngày.
-
Thị trường hàng không phát triển, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhiều đường bay mở hơn: sau 10 năm, mạng đường bay của hàng không Việt Nam có gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng hàng không của Việt Nam thuộc diện phát triển nhanh nhất thế giới khi chỉ số luôn đạt mức 2 con số.
-
Bamboo Airways cũng đã xin được giấy phép mở rộng số lượng máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu của người Việt. Trước đó, hãng đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư nội dung kế hoạch phát triển đội bay dựa vào yêu cầu từ Bộ và các ban ngành có liên quan.
Thách thức
Đứng trước nhu cầu của xã hội, Bamboo Airways đối mặt với không ít thách thức, điển hình như:
-
Khủng hoảng suy thoái kinh tế trên toàn cầu: kể từ sau đại dịch, các dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng kinh tế dần hình thành, điển hình như chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng, giá vé máy bay chiếm 60% chi phí tour du lịch…
-
Thị trường cạnh tranh cao với nhiều hãng hàng không khác có tuổi đời lâu năm, trong khi Bamboo Airways vẫn còn khá “trẻ” trên đường đua của các hãng hàng không. Theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam, thị phần của Vietjet vươn lên đến 44%, trong khi Bamboo Airways chỉ 4,2%.
-
Nguy cơ thiếu nhân lực vì giai đoạn dịch 2020 - 2021 khiến Bamboo Airways đã sa thải hàng trăm lao động từ phi công, tiếp viên cho đến nhân viên xử lý tại mặt đất.
>> Xem thêm các bài viết cùng chủ đề:
- SWOT của TiKi là gì? Phân tích chiến dịch marketing TiKi
- Phân tích và cho ví dụ về mô hình SWOT của nhà hàng
Phân tích chiến lược 4P marketing của Bamboo Airways
Dưới đây là phân tích chiến lược marketing của Bamboo Airways:
Định hướng của hãng hàng không
Định hướng của Bamboo Airways là cung cấp dịch vụ hàng không theo định hướng chuẩn quốc tế, định hướng này đi cùng với sứ mệnh kết nối mọi vùng đất tại Việt Nam. Chính vì thế, Bamboo Airways hợp tác với nhiều thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực hàng không nhằm xây dựng giá vé hợp lý, đa dạng để phù hợp với nhu cầu di chuyển của người dân.
Một trong những hướng đi của Bamboo Airways cực kỳ khác biệt so với những hãng hàng không khác là “giảm giá không phải là tất cả”. Trong đó, Bamboo Airways sẽ kết hợp song song giữa khuyến mãi giảm giá và phát triển combo nghỉ dưỡng. Điển hình như “mua 1 tặng 1 không giới hạn thẻ bay” hay “chuyển nhà đi biển, thuê villa nguyên tháng tiết kiệm 80%”.
Định hướng “chuẩn quốc tế’’ của Bamboo Airways không chỉ về giá vé mà còn ở cả nội thất máy bay. Hãng hàng không lựa chọn màu sắc, kiểu dáng ghế ngồi, chất liệu ghế đều là thiết kế riêng và cực kỳ cao cấp. Mọi nỗ lực cải thiện này đều tạo cảm giác thoải mái và thư giãn nhất trong suốt chuyến đi của hành khách.
Sản phẩm cung cấp
Thế mạnh của Bamboo Airways là các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC và định hướng kết hợp giữa hàng không và du lịch. Do đó, Bamboo Airways kết nối đường bay trực tiếp giữa các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… với Hà Nội, Quy Nhơn… Tức là thay vì hành khách phải di chuyển nhiều chuyến bay thì nay có thể đi trực tiếp đến địa điểm du lịch. Và tất nhiên, việc di chuyển trực tiếp này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều cho khách hàng.
Bên cạnh việc kết hợp giữa du lịch và hàng không, các hạng vé của Bamboo Airways cũng vô cùng đa dạng. Các hạng vé của hãng từ hạng phổ thông, phổ thông linh hoạt, thương gia, hạng nhất. Đi kèm với đó, dịch vụ chăm sóc khách hàng được chia làm 2 với dịch vụ hỗ trợ và dịch vụ nâng cao. Sự phân cấp sản phẩm rất chi tiết này giúp Bamboo Airways tiếp cận được mọi phân khúc khách hàng hiện nay.
Cơ sở định giá
Chiến lược định giá có thể coi là một trong những chi tiết khiến Bamboo Airways thành công như hiện tại. Cụ thể, hãng đã kết hợp giữa các chương trình giảm giá, ưu đãi… cùng các chính sách áp dụng cho khách hàng là trẻ em, người khuyết tật, người lớn tuổi… Cùng với đó, giá vé Bamboo Airways còn sử dụng các chính sách của khách hàng thân thiết. Các chương trình hỗ trợ, chính sách này nhằm đem lại lựa chọn đa dạng, thuận lợi và linh hoạt cho khách hàng.
Hiện tại, Bamboo Airways có 4 loại giá vé Economy, bao gồm: Economy Saver Max, Economy Saver, Economy Flex và Economy Smart. Đối với hạng phổ thông, khách hàng được miễn phí 7kg hành lý xách tay và 1 xuất đồ ăn, đồ uống miễn phí. Gói ưu đãi của 4 gói Economy sẽ bao gồm:
-
Economy Saver Max: 7kg hành lý xách tay và xuất ăn nhẹ khi bay.
-
Economy Saver: bao gồm các ưu đãi của Economy Saver Max và có thêm đổi vé, đổi tên, tích điểm và 20kg hành lý ký gửi.
-
Economy Smart: bao gồm gói ưu đãi của Economy Saver và có thêm quyền lợi khi hoàn vé, tích điểm Bamboo Club 0.5
-
Economy Flex: bao gồm gói ưu đãi của Economy Smart và thêm tiện ích ghế ngồi, tích điểm Bamboo Club 1.00 so với Economy Smart.
Điểm nhất trong chiến lược định giá của Economy là tích điểm. Khi tích điểm, khách hàng có thể tham gia vào hệ thống hội viên và có nhiều ưu đãi kèm theo khác.
Nhìn chung, chúng ta đều thấy rằng, chiến lược định giá của Bamboo Airways có tính linh hoạt, nhiều lựa chọn cho khách hàng với nhiều phân khúc giá khác nhau.
Phân phối
Bamboo Airways có các kênh phân phối vô cùng đa dạng, từ bán vé trực tiếp, bán online, hợp tác cùng đại lý phòng vé online lẫn offline. Kênh phân phối không chỉ tại thị trường nội địa mà có cả đại lý nước ngoài.
Hình thức mua vé cũng đa dạng không kém, khách hàng có thể mua trực tiếp tại quầy bán, mua trên website, qua ứng dụng di động, mua qua kênh đối tác như Shopee, Lazada, Momo, thậm chí là mua trực tiếp thông qua ứng dụng di động của ngân hàng.
Đại lý phân phối vé có mạng lưới rộng khắp cả nước, văn phòng đại diện của Bamboo Airways cũng có mặt ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ngay kể cả tại nước ngoài, Bamboo Airways cũng có văn phòng đại lý trên 20 nước toàn thế giới.
Sự đa dạng về phương cách bán hàng giúp Bamboo Airways tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng. Về phía người tiêu dùng, họ cũng dễ dàng đặt mua vé máy bay dưới mọi hình thức hơn so với trước.
Quảng cáo và tiếp thị
Như đã nói lúc trước, Bamboo Airways thành lập chỉ vừa mới vài năm trở lại đây. Vì thế, để theo kịp các “ông lớn” khác, hãng rất tập trung vào các chiến lược marketing nhằm truyền tải hình ảnh đến người tiêu dùng. Quá trình tiếp thị của Bamboo Airways diễn ra trên nhiều kênh như:
-
Tiếp thị số: Facebook, Youtube.
-
Tiếp thị truyền thống: biển quảng cáo, dán quảng cáo trên taxi, xe bus, banner, tài trợ các sự kiện.
-
Chiến dịch truyền thông
-
Hợp tác với báo để viết bài về thương hiệu.
-
Truyền thông đại chúng: tài trợ cho giải bóng đá Cúp Quốc gia, CLB bóng đá Hà Nội, tặng vé để vận chuyển hàng cứu trợ tới miền Trung…
Nói tóm lại, chiến lược marketing của Bamboo Airways luôn tập trung vào quảng bá hình ảnh. Nhiều hình thức marketing mới mẻ, dễ tiếp cận cộng đồng hứa hẹn ghi dấu ấn sâu sắc.
Trên đây là phân tích về chiến lược marketing của Bamboo Airways. Hy vọng với các thông tin trên, bạn sẽ có cái nhìn khách quan và rõ nét hơn về một trong những hãng hàng không nổi tiếng của Việt Nam - Bamboo Airways.