Khái niệm influencer và influencer marketing
Influencer là gì?
Influencer là một khái niệm chỉ về một người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Instagram, Facebook, YouTube, Twitter và TikTok. Họ có khả năng sáng tạo nội dung và qua đó thu hút lượng lớn người theo dõi cũng như ảnh hưởng đến quyết định mua hàng hay hành vi của người theo dõi họ.
Influencer có thể là người nổi tiếng, người sử dụng sản phẩm và dịch vụ, hoặc các chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể. Các doanh nghiệp thường hợp tác với Influencer để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình đến đám đông.
Các loại Influencer
Sau khi tìm hiểu qua Influencer là ai và tầm quan trọng của chiến dịch Influencer Marketing, chúng ta cùng đến với các loại Influencer dưới đây.
- Micro-influencers: Đây là các Influencer với lượng người theo dõi từ 5.000 đến 25.000 người trên các nền tảng mạng xã hội. Micro-influencers thường có khả năng tương tác cao với fan hâm mộ của họ do tính chất chuyên môn, sự chân thành và thói quen tương tác với cộng đồng.
- Macro-influencers: Đây là cấp độ chỉ các Influencer có lượng người theo dõi từ 500.000 đến 1.000.000 và thường được xem như những cá nhân có sức ảnh hưởng rộng lớn đến đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.
- Celebrity influencers: Dạng Influencers này chỉ những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng rất lớn đến công chúng. Các doanh nghiệp lớn đặc biệt sử dụng sức ảnh hưởng của các ngôi sao để quảng bá thương hiệu của mình.
- Nano Influencer: Đây là các Influencer có lượng người theo dõi thấp hơn Micro-influencers, thường dưới 5.000 người. Tuy nhiên, Nano-influencers có cộng đồng rất tận tâm và trung thành, do đó có thể tạo ra sự tương tác cao với người theo dõi.
- Community Influencer: Đây là các Influencer được tạo ra từ những cộng đồng nền tảng mạng xã hội. Chúng thường không có lượng người theo dõi lớn như Macro-influencers hoặc Celebrity influencers, nhưng vẫn có khả năng tạo ra sự ảnh hưởng đến những người có cùng sở thích hoặc lĩnh vực quan tâm.
Influencer Marketing là gì?
Influencer Marketing là một chiến lược tiếp thị được sử dụng bởi các doanh nghiệp với mục đích quảng bá thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của mình thông qua sức ảnh hưởng của Influencer.
Trong thời buổi hiện nay, người dùng dễ ra quyết định mua hàng dựa trên đánh giá hay quảng bá sản phẩm từ những người có tầm ảnh hưởng hơn là nghe vào lời quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó, Influencer Marketing đang trở thành một trong những chiến lược tiếp thị được sử dụng vô cùng phổ biến để giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu và tăng trưởng doanh thu.
Tại sao Influencer Marketing lại quan trọng trong kinh doanh?
Influencer Marketing là một phương pháp tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua sự ảnh hưởng của những người nổi tiếng trong một lĩnh vực nhất định.
Khi sử dụng Influencer Marketing, các doanh nghiệp có thể tiếp cận đến lượng lớn khách hàng mục tiêu, từ đó tăng cường sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm hoặc thương hiệu cũng như tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội.
Ngoài ra, một ưu điểm mà doanh nghiệp cần Influencer Là họ khả năng tự sản xuất nội dung dựa trên trải nghiệm của mình và chia sẻ thông tin đó đến cộng đồng của họ.
Vì sao thương hiệu cần Influencer Marketing?
Influencer Marketing là một chiến lược quảng cáo đang trở nên ngày càng phổ biến và được nhiều thương hiệu tin dùng vì có nhiều ưu điểm như đề cập ở trên. Sau đây là những lý do thương hiệu luôn cần Influencer Marketing:
- Tăng tầm nhìn và độ tin cậy: Khi một influencer chia sẻ về sản phẩm hoặc dịch vụ của một thương hiệu, họ có thể tiếp cận được đến một lượng lớn người theo dõi của mình, đặc biệt là nhóm khách hàng tiềm năng hay những người chưa biết đến thương hiệu. Việc này giúp tăng tầm nhìn của thương hiệu, đồng thời người tiêu dùng cảm thấy có sự đánh giá và độ tin cậy nếu nhận được lời khuyên từ một influencer mà họ tin tưởng.
- Tăng doanh số và tương tác: Nghiên cứu cho thấy, sự xuất hiện của Influencer Marketing trên các kênh truyền thông xã hội mang lại hiệu quả cao trong việc tăng doanh số và tương tác. Chính vì vậy, thương hiệu có thể đưa ra các chiến dịch quảng cáo, kết hợp cùng với Influencer để tạo ra những nội dung hấp dẫn và mang tính cộng đồng. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả doanh thu mà còn tăng tương tác giữa khách hàng và thương hiệu.
- Tăng nhận diện thương hiệu và lòng trung thành khách hàng: Influencer Marketing còn giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu thông qua các bài viết được đăng tải trên tài khoản của Influencer. Nếu người theo dõi của Influencer cảm thấy có sự tương đồng và yêu thích sản phẩm hoặc dịch vụ doanh nghiệp, khả năng cao họ sẽ trở thành những khách hàng thường xuyên và trung thành với thương hiệu.
- Tăng lưu lượng truy cập trang web: Khi Influencer đăng tải bài viết hoặc video về sản phẩm, họ thường sử dụng các liên kết và hashtags, giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy trang web của thương hiệu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng lưu lượng truy cập trang web cũng như cải thiện thứ hạng SEO của doanh nghiệp trên các công cụ tìm kiếm.
Các bước thực hiện chiến dịch Influencer Marketing
Sau khi tìm hiểu vì sao các thương hiệu cần Influencer Marketing, chúng ta cùng đến các bước thực hiện chiến dịch Influencer Marketing hiệu quả:
Bước 1: Xác định mục tiêu
Đầu tiên, bạn cần xác định mục tiêu mà mình muốn đạt được thông qua chiến dịch Influencer Marketing. Mục tiêu này có thể là tăng doanh số, tăng nhận diện thương hiệu, tăng lượng người theo dõi trên các kênh truyền thông xã hội, tăng tương tác với khách hàng, tăng lượng người truy cập website… Việc xác định mục tiêu sẽ giúp cho bạn lựa chọn đúng Influencer và thiết kế chiến lược phù hợp.
Bước 2: Tìm kiếm và chọn lọc Influencer
Sau khi xác định được mục tiêu, bạn cần tìm kiếm và chọn lọc ra những Influencer phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của bạn. Để làm được điều này, bạn cần tìm hiểu về các Influencer trên nền tảng mạng xã hội như: Instagram, Facebook, Youtube, Tiktok, Twitter… Hãy chọn người có đối tượng theo dõi phù hợp với sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Bước 3: Thỏa thuận với Influencer
Sau khi tìm kiếm được Influencer phù hợp, bạn cần tiếp cận và thương lượng với họ để quảng bá sản phẩm/dịch vụ/thương hiệu. Điều này bao gồm việc đưa ra đề xuất hợp tác, đề xuất giá cả, nội dung và thời gian quảng bá.
Bước 4: Thiết kế chiến lược quảng bá
Sau bước 3, bạn bắt đầu thiết kế chiến lược quảng bá phù hợp với kênh truyền thông mà Influencer sử dụng. Nội dung quảng bá nên tập trung vào giá trị sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của bạn cũng như phù hợp với đối tượng khách hàng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như video, hình ảnh, bài viết, livestream… để thực hiện chiến dịch.
Bước 5: Đo lường và phân tích kết quả
Sau khi quảng bá kết thúc, bạn cần đo lường và phân tích kết quả của chiến dịch. Việc đo lường này bao gồm xác định lượt tương tác của người dùng, số lượng người xem, tăng doanh số, sự tăng trưởng của thương hiệu sau khi quảng bá... Bằng cách này, bạn có thể đưa ra những cải tiến cho chiến dịch Influencer Marketing trong tương lai.
>>>Xem thêm: Cách sử dụng KOC giúp tăng trưởng doanh thu
Những thách thức khi thực hiện chiến dịch Influencer Marketing
Mặc dù hình thức sử dụng Influencer Marketing có thể đem lại hiệu quả kinh doanh mạnh mẽ nhưng để triển khai và thực hiện chiến dịch, các doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề dưới đây:
- Chi phí đầu tư cao: Để xây dựng chiến dịch Influencer Marketing, doanh nghiệp cần phải chi số tiền rất lớn để trả cho Influencer cũng như cho các chi phí khác như sản xuất nội dung, quảng cáo, tài trợ sự kiện… Do đó, điều này có thể khó khăn với các doanh nghiệp mới bắt đầu.
- Khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn Influencer phù hợp: Việc lựa chọn Influencer phù hợp là rất quan trọng để chiến dịch đạt được hiệu quả. Tuy nhiên ,quá trình tìm kiếm và lựa chọn Influencer phù hợp thường tốn nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, không phải tất cả người theo dõi của Influencer đều phù hợp với lĩnh vực hoạt động của thương hiệu.
- Khó đo lường kết quả: Một trong những thách thức doanh nghiệp cần biết là đo lường kết quả sau chiến dịch Influencer Marketing. Trong nhiều trường hợp, kết quả có thể được tính dựa trên lượt tương tác, chứ không phải là doanh số hay lợi nhuận như các hình thức Marketing khác. Điều này có thể làm cho việc đánh giá hiệu quả của chiến dịch trở nên mơ hồ và khó khăn.
Trên là các bước thực hiện Influencer Marketing hiệu quả và những thách thức doanh nghiệp phải đối mặt khi triển khai chiến dịch. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ biết cách sử dụng chiến dịch Influencer Marketing phù hợp để nâng tầm nhận diện thương hiệu, từ đó tăng trưởng doanh số.